Nội quan Nội_mệnh_phụ

Đương kim Quốc vương

Các vị Nội quan (內官; 내관), còn gọi là các Hậu cung tần ngự (后宮嬪御; 후궁빈어), thông xưng "Hậu cung", là tập hợp các định nghĩa cùng tước hiệu sắc phong cho các thiếp chính thức của Quốc vương, được coi là người trong Vương thất Triều Tiên.

Vào sơ kì Triều Tiên, những tổ chức cung nữ từng được gọi chung là "Nội quan" hay "Nữ quan", thì đến thời vua Triều Tiên Thành Tông lại được đề rõ trong Kinh Quốc đại điển (經國大典), các hậu cung phục vụ Quốc vương cùng với các Trung điện đều được gọi chung là "Nội mệnh phụ", điều này được áp dụng cho đến hết triều đại Triều Tiên. Mỗi vị Nội quan đều có công việc đảm nhận ở trong cung để giúp đỡ Đại vương và Vương thất.

Mặc dù trong điều Nội mệnh phụ của Kinh Quốc đại điển đã chia thành Tần, Quý nhân, Chiêu nghi, Thục nghi, Chiêu dung, Thục dung, Chiêu viên, Thục viên theo phẩm cấp rõ ràng trong Hậu cung nhưng trên thực tế lại không chia theo phẩm cấp mà phải xem người đó có xuất thân thế nào và tùy theo quá trình trở thành Hậu cung mà được chia thành hai nhóm lớn. Hai nhóm lớn được chia ra đó gồm những Hậu cung là cung nữ hay kỹ nữ được Đại vương lâm hạnh rồi được nhận phong vị gọi là Thừa ân Hậu cung (승은후궁; 承恩后宮). Còn những Hậu cung xuất thân là con gái của các Sĩ đại phu chính thức vượt qua quá trình "Giản trạch" (간택,揀擇) rồi được tiến cung, họ được gọi là Giản trạch Hậu cung (간택후궁; 揀擇后宮). Thừa ân Hậu cung và Giản trạch Hậu cung mặc dù đều được tính là Hậu cung nhưng có thể thấy được sự chênh lệch lớn trong quá trình tuyển chọn và xuất thân. Sự chênh lệch đó được liên kết với đãi ngộ và vai trò của mỗi người trong cung.

Tổng quan về "Bát đẳng hậu cung" của nhà Triều Tiên như sau:

Cấp bậcTên hiệuPhiên âmChữ HangulChữ Hán
Chính nhất phẩmTầnBin
Tòng nhất phẩmQuý nhânGui-in귀인貴人
Chính nhị phẩmChiêu nghiSo-ui소의昭儀
Tòng nhị phẩmThục nghiSook-ui숙의淑儀
Chính tam phẩmChiêu dungSo-yeong소용昭容
Tòng tam phẩmThục dungSook-yeong숙용淑容
Chính tứ phẩmChiêu viênSo-won소원昭媛
Tòng tứ phẩmThục viênSook-won숙원淑媛

Tùy vào mức độ sủng ái và việc sinh Vương tử cùng Vương nữ, các Nội quan được sắp xếp thành 8 thứ bậc theo các cấp khác nhau. Tất cả các tước này, trừ Tần, đều chỉ có 1 người tại vị. Những nội quan thuộc hàng "Tần" không giới hạn số lượng, và họ sẽ được ban hiệu đứng trước, ví dụ như: Hy tần (禧嬪), Thục tần (淑嬪), Nghi tần (宜嬪), Minh tần (明嬪), Tuy tần (綏嬪)..... Các chữ đứng trước danh hiệu tần được dùng để phân biệt giữa các tần với nhau không có tác dụng để chia cao thấp trong hậu cung. Họ có thể xuất thân từ tầng lớp Lưỡng ban hoặc cũng có thể là Cung nữ. Trong mỗi cấp bậc, phân ra "Chính" (jeong, 정) luôn được xếp trên "Tòng" (jong, 종).

Bởi vì sự khác nhau trong xuất thân và quá trình trở thành Hậu cung mà thông thường những khuê nữ của giới Sĩ đại phu thông qua Giản trạch để tiến cung sẽ được phong từ tòng nhị phẩm Thục nghi trở lên. Còn các cung nữ hay kỹ nữ được lâm hạnh trở thành Hậu cung sẽ được phong từ tòng tứ phẩm Thục viên. Vào sơ kì Triều Tiên, không có trường hợp Hậu cung được phong là Tần ngay từ đầu mà sẽ được tấn phong qua từng thời kì. Tuy nhiên càng đến hậu kì Triều Tiên càng có nhiều trường hợp Hậu cung thông qua Giản trạch nhập cung thì không cần trải qua vị hiệu Thục nghi mà lại được phong làm Tần vị.

Nhà Triều Tiên tôn sùng Nho giáo, không nằm ngoài tra cứu Chu lễ, do đó cũng quy định những người phụ nữ nằm trong Nội mệnh phụ đều có một công việc nhất định. Vào năm Triều Tiên Thế Tông thứ 10 (1428), triều đình đã quy định cụ thể về công việc của Hậu cung.

  • Nhất phẩm Tần và Quý nhân: phò tá Vương phi và bàn về phụ lễ (Nguyên văn: 좌비논비례; 佐妃論婦禮).
  • Nhị phẩm Chiêu nghi và Thục nghi: giúp đỡ và dẫn đường cho Vương phi trong các nghi lễ (Nguyên văn: 찬도비례; 贊導妃禮).
  • Tam phẩm Chiêu dung và Thục dung: đảm nhiệm các công việc liên quan đến tế lễ và đón tiếp khách (Nguyên văn: 수제사빈객지사; 修祭祀賓客之事).
  • Tứ phẩm Chiêu viên và Thục viên: chịu trách nhiệm quản lý tẩm điện thường ngày và các loại gấm vóc, vải dệt trong cung (Nguyên văn: 서연침리사시; 敍燕寢理絲枲).

Về sau, mặc dù điều luật về Nội mệnh phụ này từng được thay đổi vài lần trong Tục đại điển, Đại điển thông biên và Đại điển hội thông nhưng những quy định trong Nội mệnh phụ vẫn được duy trì và áp dụng đến hết triều đại Triều Tiên. Thông thường công việc chủ yếu của những Hậu cung là phò tá Vương phi quản lý mọi việc trong cung và quan trọng hơn hết vẫn là sinh con cái cho Đại vương. Đó cũng là lý do mà Tần và Quý nhân không hạn định về số người là nhằm kích thích Hậu cung sinh ra Nguyên tử để kế thừa đại nghiệp. Thông thường thì Hậu cung tuy có mệnh "phụ tá", nhưng cũng chỉ được giao những nhiệm vụ nhất định mà không thể tham gia vào chính sự như Vương phi. Đặc biệt, đối với Tần là một chức quan có hàm chính nhất phẩm phong cho Hậu cung của Đại vương vào thời Triều Tiên với phẩm vị cao nhất trong Nội mệnh phụ, chỉ đứng sau Vương phi. Tuy nhiên trong Đại điển hội thông có viết: [“Chính nhất phẩm Tần, hữu Giáo mệnh, tắc vô giai”; 正一品 嬪,有敎命,則無階], tức là chỉ thêm vào một quy định rằng nếu nhận được "Giáo mệnh" của Đại vương thì sẽ không cần liệt vào hàng có phẩm quan mà sẽ siêu việt giống với Vương phi. Giống chứ không ngang hàng vì Vương phi vẫn là chính thất của Đại vương, việc ban Giáo mệnh chỉ thể hiện sự sủng ái của Đại vương đối với vị Tần đó.

Nơi ở của những Hậu cung không phải được xây dựng riêng biệt hay là được chỉ định ở một nơi nhất định mà sẽ được bố trí ở một nơi biệt lập nằm xung quanh Nội điện của Vương phi. Mỗi Hậu cung sau khi được phong vị đều có nơi ở riêng của mình và được ban Đường hiệu (당호; 堂號) rồi sinh sống độc lập tại đó. Thường thấy nhất trong các tài liệu về Nội mệnh phụ Triều Tiên là cách gọi ["Tên của đường kèm họ"], ví dụ nếu Hậu cung Lý thị ở Bảo Hi đường thì gọi là [Bảo Hi đường Lý thị].

Tiền nhiệm Quốc vương

Sau khi Quốc vương qua đời, khác với Vương phi được ở lại trong cung và tôn phong thành Vương đại phi, các Hậu cung của Tiên vương thì vào sơ kì Triều Tiên phải xuống tóc và xuất gia. Theo đó, sau khi Tiên vương hoăng thì những Hậu cung sẽ xuống tóc và tập hợp lại một ngôi chùa mang tên Định Nghiệp viện (정업원; 定業院).

Việc bắt các Hậu cung này xuống tóc đi tu là để thủ tiết đối với Tiên vương cũng như là cầu phúc, tụng kinh siêu độ cho Tiên vương. Tuy nhiên Triều Tiên là một quốc gia sùng Nho giáo, nên việc này dần dần cũng biến mất. Thay vào đó, cần có những chính sách đối đãi cho cuộc sống của những Hậu cung từng hầu hạ Tiên vương sau khi Tiên vương mất. Vì vậy, nếu con của Hậu cung nào được kế vị thì Hậu cung đó hiển nhiên vẫn được tiếp tục ở lại trong cung, nhưng nếu không rơi vào trường hợp này thì những Hậu cung buộc phải xuất cung ra ở tại các cung phụ, ý chỉ ngoài Cảnh Phúc CungXương Khánh Cung. Nếu có con trai là các Vương tử mang tước Quân, thì những Hậu cung này cũng có thể dọn đến ở cùng với họ.

Trường hợp con của những Hậu cung được trở thành Đại vương thì cũng không thể tấn tôn Sinh mẫu của mình làm Vương đại phi mà chỉ được ban cung hiệu. Trong lịch sử Triều Tiên cũng chỉ có 7 vị là Sinh mẫu của Đại vương nhưng không phải là Vương phi nên chỉ được ban cung hiệu, được gọi chung là Thất Cung (칠궁; 七宮). Vương triều Triều Tiên vốn coi trọng Nho giáo nên thứ bậc Đích thứ rất được coi trọng, nên các Hậu cung dù Sinh mẫu của Đại vương nhưng cũng không được tấn tôn làm Vương đại phi hay truy phong làm Vương hậu sau khi mất, mà chỉ được gọi là “Cung” hoặc vẫn duy trì phong hiệu cũ, đấy gọi là Cung hiệu (궁호; 宮號). Ngoài ra, các "Cung hiệu" ban cho Thất Cung cũng chính là tên nơi mà họ được thờ cúng sau khi mất. Tuy nhiên vào năm Long Hy thứ 2 (1908), tất cả nơi thờ cúng của Thất Cung bị "quốc hữu hóa" và bài vị của Thất Cung được chuyển đến Dục Tường Cung để cùng thờ cúng. Hiện nay khu vực Dục Tường Cung nằm phía bên cánh trái của Nhà Xanh.

Nhân vật nổi tiếngDanh sách Thất Cung
  1. Trữ Khánh Cung (저경궁; 儲慶宮): tức Nhân tần Kim thị, sinh mẫu của Triều Tiên Nguyên Tông, tổ mẫu của Triều Tiên Nhân Tổ, tằng tổ mẫu của Chiêu Hiến Thế tửTriều Tiên Hiếu Tông.
  2. Đại Tần Cung (대빈궁; 大嬪宮): tức Hy tần Trương thị, sinh mẫu của Triều Tiên Cảnh Tông.
  3. Dục Tường Cung (육상궁; 毓祥宮): tức Hòa Kính Thục tần Thôi thị, sinh mẫu của Triều Tiên Anh Tổ, tổ mẫu của Triều Tiên Chân TôngTriều Tiên Trang Tổ, tằng tổ mẫu của Triều Tiên Chính Tổ.
  4. Diên Hỗ Cung (연호궁; 延祜宮): tức Ôn Hi Tĩnh tần Lý thị, sinh mẫu của Triều Tiên Chân Tông.
  5. Tuyên Hi Cung (선희궁; 宣禧宮): tức Chiêu Dụ Ánh tần Lý thị, sinh mẫu của Triều Tiên Trang Tổ, tổ mẫu của Triều Tiên Chính Tổ, tằng tổ mẫu của Triều Tiên Thuần Tổ.
  6. Cảnh Hựu Cung (경우궁; 景祐宮): tức Hiển Mục Tuy tần Phác thị, sinh mẫu của Triều Tiên Thuần Tổ. Ban đầu là Gia Thuận Cung (가순궁; 嘉順宮).
  7. Đức An Cung (덕안궁; 德安宮): tức Thuần Hiến Hoàng quý phi Nghiêm thị, phi tần của Triều Tiên Cao Tông, sinh mẫu của Ý Mẫn Thái tử.

Liên quan